Blog tin tức về công nghệ
Bên cạnh việc cài mã bảo mật, người dùng cũng có thể sử dụng tiện ích sẵn có từ nhà sản xuất, hoặc cài đặt thêm phần mềm trên các dòng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cách nào cũng có mặt hay và dở.
Điện thoại nhỏ, gọn nêndễ bị đánh cắp hoặc lấy trộm hơn máy tính. Ảnh: Tuấn Anh. |
Cách đơn giản nhất, thậm chí có ngay trên những điện thoại phổ thông không có hệ điều hành là bảo vệ và chống trộm bằng SIM. Tuy vậy, tính năng này không phải hãng nào cũng áp dụng, chỉ thường thấy ở điện thoại của Samsung và LG. Sau khi cài đặt, mỗi khi điện thoại bị tháo và lắp vào SIM khác vào sẽ có tin nhắn tự động gửi về số điện thoại đặt trước của người dùng thông tin.
Hạn chế của cách này là thông tin của SIM gửi trả về chỉ có số điện thoại, không có thông tin của người đang sử dụng cũng như vị trí của điện thoại thất lạc, nên việc tìm lại được món đồ bị mất phụ thuộc nhiều vào may mắn, anh Nguyễn Văn Định (Thái Hà, Hà Nội), kỹ thuật chuyên về phần mềm trên điện thoại chia sẻ. Vì thế, sử dụng các phần mềm định vị trên điện thoại di động là cách chống trộm phổ biến và đang được nhiều người dùng hơn.
Muốn định vị và dò tìm lại thiết bị thất lạc, người dùng phải sử dụng các dòng điện thoại có hệ điều hành, trên iOS của Apple có ứng dụng Find My iPhone còn trên Windows Phone của Microsoft là Find My Phone. Cách hoạt động của hai ứng dụng tương đồng khi cùng sử dụng một tài khoản cá nhân (ID) để quản lý. Người dùng có thể khóa máy, xóa dữ liệu từ xa và điều khiển điện thoại phát âm thanh từ thiết bị khác, hoặc trên website. Vị trí của thiết bị thất lạc sẽ được ghi lại bằng GPS và có thể theo dõi bằng bản đồ trực tuyến trên website. Cách bảo mật này có hiệu quả khi không hiếm trường hợp đã tìm lại được máy bị đánh cắp, như vụ một nữ quái chuyên móc túi bị công an Hà Nội tóm gọn vì khả năng định vị trên iPhone.
Ngoài những phần mềm được các hãng điện thoại và phát triển hệ điều hành cung cấp sẵn, người dùng smartphone có thể tìm và cài đặt thêm ứng dụng từ các hãng thứ ba, bao gồm cả miễn phí và có phí. Trên iOS có iCaughU, ngoài việc định vị hay khóa máy còn cho phép gửi ảnh chụp từ camera trước nếu người sử dụng nhập sai password. Hệ điều hành Android không được tích hợp sẵn nhưng người dùng cũng có thể tìm được các phần mềm như Where My Droid hay Android Lost... trên Google Play. Tuy không hỗ trợ chụp ảnh nhưng tính năng định vị, khóa máy hay điều khiển từ xa cũng không thua kém các tính năng mà Apple và Microsoft cung cấp.
Tuy nhiên, với cách bảo vệ này nếu kẻ gian tắt hết các kết nối Internet (Wi-Fi, 3G, EDGE) và định vị GPS, hoặc thậm chí reset và cài đặt lại phần mềm mới hoàn toàn cho điện thoại thì việc tìm kiếm sẽ không còn khả thi.
Vô tình ứng dụng như Find My iPhone lại trở thành công cụ theo dõi, hoặc phá hoại. Ảnh: Tuấn Anh. |
"Lợi nhiều nhưng hại thì cũng không ít", anh Vũ Trọng Phan một người dùng các ứng dụng định vị chia sẻ. Bởi thực tế, việc định vị để tìm được điện thoại khi thất lạc lại vô tình biến nó thành công cụ theo dõi người dùng. Từ ngày biết có ứng dụng Find my iPhone mọi đi đứng của anh Phan luôn bị bà xã nắm rõ hết vì chỉ cần lên web là biết ngay chiếc điện thoại của chồng đang "làm việc" ở cơ quan hay "la cà" ngoài hàng cà phê, quán nhậu.
Nếu lỡ để lộ ra tài khoản hay mật khẩu đăng nhập, những ứng dụng chống trộm với khả năng điều khiển từ xa lại có thể bị lợi dụng. Anh Định cho biết đã gặp trường hợp người dùng mang điện thoại đến nhờ giúp vì bị người khác xóa sạch tất cả dữ liệu trong iPhone. Lý do tài khoản Find My iPhone cũng chính là một Apple ID để sử dụng trong App Store và iTunes, nếu như không để ý khi và cho người khác dùng chung tài khoản thì trường hợp trên rất dễ dàng xảy ra. Nhiều người dùng cẩn thận cũng lo lắng những phần mềm miễn phí như trên Android không an toàn, vì khi cài đặt sẽ cho phép nó truy cập sâu vào hệ thống, được cấp quyền dùng các tính năng điện thoại, tin nhắn hay định vị, kết nối mạng...
Tính năng chống trộm xuất hiện trên các ứng dụng diệt virus của điện thoại di động. Ảnh: Tuấn Anh. |
Cách chống trộm cuối cùng nhưng tỏ ra an toàn đáng tin nhất là sử dụng các phần mềm diệt virus có tiếng được thiết kế dành riêng cho điện thoại. Từ hệ điều hành Android, iOS, BlackBerry cho tới Windows Phone hay Symbian, người dùng đều có thể dễ dàng tìm được các phần mềm khá quen thuộc và nổi tiếng như Kaspersky, McAffe, hay BKAV, CMC được các hãng phần mềm trong nước phát triển riêng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của BKAV cho biết, chống trộm là một trong những tính năng rất được chú trọng trong phần mềm diệt virus trên điện thoại. Chống trộm từ những phần mềm này không chỉ có khả năng định vị hữu ích mà còn an toàn, bảo mật sự riêng tư của người dùng.
Theo giải thích của ông Sơn, tính năng trên một số phần mềm diệt virus của điện thoại được thiết kế không chỉ phụ thuộc vào cơ chế định vị qua GPS, mạng Internet mà còn kết hợp cả phương pháp dùng tin nhắn SMS và SIM điện thoại khi cần. Trong khi sử dụng, bất kỳ truy cập từ xa nào cũng đều được thông báo, ghi lại nhật ký hoặc thông báo tới người dùng chứ không âm thầm tự theo dõi vị trí hay xóa dữ liệu, khóa máy không cho phép.
Tuy hiệu quả cao nhưng thực tế, việc sử dụng phương pháp chống trộm này lại chưa phổ biến vì là hầu hết đều tính phí sử dụng. Hầu hết ứng dụng diệt virus trên điện thoại được cung cấp miễn phí, nhưng nếu sử dụng các tính năng như chống trộm, bảo mật hay điều khiển thiết bị từ xa đều cần phải trả tiền phí sử dụng. Vì vậy, phần lớn người dùng vẫn chọn các ứng dụng miễn phí hay cách dùng tính năng có sẵn trên điện thoại và chưa thật quan tâm đến cách dùng phần mềm diệt Virus.
Tuấn Anh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét