Blog tin tức về công nghệ
Bộ đôi Lenovo IdeaPad Yoga 11 và 13 đều tích hợp màn hình cảm ứng và khả năng "biến hình" thành máy tính bảng để tận dụng ưu điểm của Windows 8.
Lenovo Yoga với màn hình có thể xoay ngược về phía sau. |
Cùng có sản phẩm kiểu dáng màn hình xoay ngược về phía sau với Asus nhưng Lenovo đã sớm đưa dòng sản phẩm Yoga về Việt Nam với đầy đủ cả hai phiên bản. Điểm đặc biệt là bộ đôi này không chỉ khác nhau ở kích thước màn hình mà còn ở nền tảng sử dụng với một chạy chip ARM và tích hợp Windows RT trong khi phiên bản còn lại chạy Windows 8 như một chiếc laptop thông thường.
Nằm trong xu hướng chung của laptop "biến hình" trong năm 2012, thiết kế của Lenovo Yoga đem đến cho người dùng những trải nghiệm mới khi sử dụng kèm Windows 8. Thay vì màn hình trượt để lộ bàn phím như Sony hay Toshiba, hãng đưa ra giải pháp màn hình gấp ngược góc gần 360 độ về phía sau để người dùng có thể sử dụng như một chiếc máy tính bảng hỗ trợ cảm ứng.
Thử nghiệm nhanh cho thấy thiết kế này tỏ ra chắc chắn và bền bỉ hơn nhờ cáp trượt không chuyển động tự do như Sony Vaio Duo 11 hay Toshiba U920t. Ngay trong quá trình xoay, khớp nối cũng có thể để chắc ở bất kỳ góc nào người dùng muốn. Điều này cho phép máy có thể tạo góc nhọn và sử dụng để đứng chéo trên bàn làm việc để thao tác. Để phù hợp hơn với tư thế khi sử dụng như máy tính bảng, Lenovo có thêm tính năng tự động vô hiệu hóa bàn phím khi lật ngược tránh việc cầm bị bấm nhầm phía sau.
Tuy nhiên, cũng giống như laptop bàn phím trượt, cả hai phiên bản Yoga vẫn không tạo được sự thoải mái nhất định khi cầm sử dụng cảm ứng. Độ dày tổng thể và cân nặng vẫn là hơi lớn so với các mẫu máy tính bảng thông thường. Phiên bản kích thước 13 inch nặng 1,54 kg trong khi bản màn hình 11 inch là 1,27 kg. Trong khi đó thử nghiệm cảm ứng trên cả hai đều khá tốt với hệ điều hành Windows 8 mới. Khi xoay ngược, máy có cảm biến để xoay chỉnh hưởng hiển thị cho phù hợp với góc nhìn.
Phiên bản màn hình 13 inch bên trái và 11 inch bên phải. |
Phiên bản Yoga 11 inch trang bị vi xử lý Nvidia Tegra T30 tốc độ 1,4 GHz, bộ nhớ RAM 2 GB và chạy trên hệ điều hành Windows RT. Phiên bản này có thời lượng sử dụng pin lớn nhưng sẽ không tương thích với các phần mềm Windows trước đây. Trong khi đó, Yoga 13 chạy Windows 8 tương tự như một chiếc laptop thông thường và dự kiến sẽ có đầy đủ các cấu hình từ chip Core i3 đến i7.
Bộ đôi laptop độc đáo của Lenovo mang tên mới nhưng thực chất lại có thiết kế mang cảm hứng khá nhiều từ dòng U Series siêu mỏng trước đó của hãng. Mẫu Yoga 13 có lớp vỏ ngoài phủ một lớp cao su mỏng trong khi mặt trong được bọc da sang trọng. Trong khi đó, mẫu Yoga 11 lại có vỏ kim loại chắc chắn. Một điểm đáng tiếc là cả hai sản phẩm này đều có viền màn hình khá dầy, đặc biệt là ở phần cạnh dưới gần bản lề máy.
Lenovo Yoga 11 sẽ bán trong tháng này với giá tham khảo khoảng hơn 19 triệu đồng trong khi bản 13 inch sẽ ra mắt chính thức vào tháng 2 và bán ra sau đó khoảng một tháng.
Bài và ảnh: Tuấn Hưng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét