Máy tính bảng đang trở thành một xu hướng rõ rệt trong quá trình tiến hóa của ngành công nghệ và Apple được coi là hãng đầu tiên làm bùng nổ cuộc cách mạng này với chiếc iPad. Tuy nhiên, hẳn không nhiều người biết Apple không phải là hãng đầu tiên làm ra
máy tính bảng, mà chính là đối thủ Microsoft. Những chiếc máy tính bảng đầu tiên của Microsoft được ra mắt vào đầu thế kỷ trước chạy trên nền hệ điều hành Windows XP và do những hạn chế của công nghệ thời đó, những chiếc máy tính bảng này đã nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Một trong những chiếc máy tính bảng đời đầu của Microsoft lúc bấy giờ là một sản phẩm đến từ HP với tên gọi HP Compaq TC1100 với thiết kế không khác những chiếc máy tính bảng ngày nay là mấy. Sau đây, GenK xin được dẫn lại bài so sánh của Jon Phillips từ trang PCWorld giữa sản phẩm máy tính bảng một thời và siêu phẩm mới nhất của Microsoft, Surface Pro 3.
Thiết kế của chiếc TC1100 này dường như không khác mấy so với chiếc Surface Pro mới nhất mà Microsoft mới ra mắt. Cả hai thiết bị điều được phát triển theo hướng 2 trong 1, vừa là một chiếc máy tính bảng, vừa là một chiếc laptop được trang bị đầy đủ tính năng như phiên bản desktop và cả hai cùng được trang bị bút stylus. Mặc dù chiếc TC1100 không thực sự làm cho người dùng có thể sử dụng một cách dễ dàng, nhưng nó đã chứng tỏ rằng Microsoft đã đưa ra một ý tưởng đúng đắn.
Nổi bật với màn hình cảm ứng, nhưng đem lại cảm giác nặng nề khi cầm
Một thiết bị với màn hình cảm ứng vào khoảng thời gian đầu những năm 2000 thực sự là một siêu phẩm của làng công nghệ bấy giờ. Nó đem lại một trải nghiệm cũng như cách thức tiếp cận với các thiết bị hoàn toàn mới cho người dùng. Tuy nhiên, trọng lượng nặng nề của thế hệ máy tính bảng đầu tiên này dường như đã phá vỡ đi sự phấn khích của người dùng cho một thiết bị cách tân như TC1100. So với chiếc Surface Pro 3 mới nhất, chiếc máy tính bảng này nặng tới 3.1 pound, gần gấp đôi so với 1.76 của đàn em Surface Pro, đó là còn chưa kể đến trọng lượng chỉ 1.5 pound của iPad thế hệ đầu tiên.
Từ trước đến nay, các thiết bị của HP luôn bị phàn nàn về vấn đề nhiệt độ. Điều đó không chỉ đúng trên laptop mà còn đúng với chiếc máy tính bảng đầu tiên này. Mặc dù chỉ chạy trên bộ xử lý Pentium M với xung nhịp 1Gz, nhiệt độ mà TC1100 tỏa ra có thể làm bạn bỏng đùi và nếu bạn giữ nó quá lâu trong tay, thiết bị này sẽ không khác gì một cục lửa. Chính những khuyết điểm đáng kể trên đã làm cho người dùng không muốn sử dụng thiết bị này.
Màn hình mờ ảo, không sắc nét.
Độ phân giải của chiếc TC1100, hay thậm chí là cả iPad thế hệ đầu so với tiêu chuẩn công nghệ hiện nay thực sự không phải là quá tụt hậu. Chiếc máy tính bảng đến từ HP này sở hữu màn hình 10.4 inch với độ phân giải 1024 x 768, không thua kém gì các máy tính bảng bình dẫn vẫn đang tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chính mật độ điểm ảnh của màn hình. Với việc được trang bị một màn hình với mật độ điểm ảnh chỉ có 123 ppi, TC1100 thực sự sẽ khiến bạn phải hoa mắt chóng mặt với một màn hình vừa nhòe vừa mờ mờ ảo ảo, và hẳn bạn sẽ không tưởng tượng nổi nó tồi tệ như thế nào nếu chưa từng một lần được nhìn vào đó.
Với một màn hình 12 inch, chiếc Surface Pro 3 thực sự không lớn hơn nhiều một kích thước "vừa đẹp" cho tablet. Tuy nhiên, màn hình của thiết bị này lại đạt tới độ phân giải lên đến 2160 x 1440 pixel và cho ra chất ảnh sắc nét với mật độ điểm ảnh lên đến 216 ppi.
Dẹp chuyện chất lượng hình ảnh sang một bên, chiếc TC1100 thậm chí còn đem lại một sự "đau khổ" còn lớn hơn cho người dùng, đó chính là màn hình cảm ứng điện trở.
Chiếc máy tính bảng HP này sẽ không thể phản hồi lại các thao tác như vuốt, chọc ngón tay hay các nét cử chỉ bằng cảm ứng. Với công nghệ của năm 2004, điều mà nền công nghiệp PC có thể làm tốt nhất mới chỉ dừng lại ở việc nhấn trực tiếp một chiếc bút stylus lên màn hình và tạo áp lực lên đó. Chiếc iPhone đầu tiên đã biến cảm ứng điện dung, thế hệ cảm ứng mới trở thành tiêu chuẩn của nền công nghiệp di động và giao diện di động hiện đại cũng bùng nổ từ đó. Chúng ta bắt đầu biết đến các thao tác như vuốt trên các ứng dụng thay vì phải sử dụng chuột, và cũng từ nó, cả một trải nghiệm điện toán mới được ra đời.
Việc nhập liệu thực sự tồi tệ
Khi chiếc TC1100 được cắm vào bàn phím phụ kiện đi kèm, trông nó chẳng khác những chiếc laptop khác thời bấy giờ chút nào. Vi xử lý Pentium M cùng với bộ nhớ RAM 512 MB và ổ cứng dung lượng 40GB hoàn toàn giúp chiếc máy tính bảng này thực hiện tốt các công việc truyền thống trên các laptop. Mặc dù vậy, chiếc máy này mất đến hơn 15 giây để khởi động vào Windows XP phiên bản dành cho máy tính bảng hỗ trợ bút stylus. So với thời gian 4 giây để khởi động vào màn hình khóa của Surface Pro thì đây thực sự là một sự chênh lệch khác lớn.
Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề to tác trên thiết bị này. Điều phiền toái chỉ thực sự xuất hiện khi bạn tháo bàn phím ra và dựng máy lên dùng đúng nhưu một chiếc máy tính bảng. Thiết bị này không chạy các ứng dụng di động như trên iOS, cũng không có các ứng dụng "Modern" mà Microsoft trang bị cho Windows 8. Nó chỉ cho phép chạy các ứng dụng desktop truyền thống của Windows, và đối với một thiết bị cảm ứng, điều đó thực sự tệ hại.
Bạn sẽ phải sử dụng bút stylus để nhập liệu vào một bàn phím ảo không thể tệ hơn của Windows XP. Bàn phím này bê nguyên xi thiết kế truyền thống của bàn phím vật lý theo cách tồi tệ nhất, và theo một cách khó hiểu, Microsoft đã đánh dấu mỗi phím bằng những ký tự siêu nhỏ, mờ nhạt và gần như không nhìn ra nổi. Hãy tưởng tượng bạn phải "chọc" từng phím trên một màn hình cảm ứng để soạn thảo văn bản trên Word thực sự ám ảnh đến mức nào.
Nhận diện chữ viết cũng chẳng khá khẩm hơn
Một lựa chọn khác lúc bấy giờ cho việc nhập liệu trên thiết bị này đó là sử dụng bàn phím ảo của công cụ Character Pad. Bằng cách này, bạn có thể "vẽ" các chữ trên một mẩu note ảo và đảm bảo rằng các chữ đó không nằm ngoài đường viền của khu vực soạn thảo. Tuy nhiên thì lúc đó mới là thời điểm sơ khai của tính năng nhận diện chữ viết, do đó việc máy hiểu nhầm bạn nhập chữ s thành số 5 là chuyện bình thường.
Công cụ Writing Pad là lựa chọn thứ ba. Với công cụ này, bạn có thể viết một câu tiếng Anh dài sau đó nhấn Insert để máy xử lý với tỉ lệ dịch chính xác dao động từ 1 đến 100%. Đôi khi, khả năng nhận diện chữ việc của nó sẽ làm bạn phải ngạc nhiên, còn lại hầu hết bạn sẽ vẫn nghĩ nó chỉ mang công nghệ cũ kỹ của 10 năm trước.
Chính vì khả năng nhập liệu tệ hại này đã khiến cho người dùng "yêu" bàn phím ảo của iOS hơn bao giờ hết, kể cả khi ra mắt lần đầu năm 2007. Bàn phím cảm ứng trên màn hình điện dung với khả năng nhập liệu bằng ngón tay đã đem lại một cuộc cách mạng thực sự, đơn giản chỉ là vì nhập liệu bằng bút thực sự rất khổ cực.
Tuy vậy nó vẫn mang những đặc tính chung của Microsoft
Việc các phần cứng của Apple đã đem lại cuộc cách mạng di động hiện đại là điều không thể chối cãi. Chiếc iPhone đầu tiên đem đến cho người dùng màn hình điện dung cùng với khả năng nhập liệu bằng ngón tay, và chiếc iPad đầu tiên đem đến cho chúng ta thiết bị có khả năng bật ngay lập tức trong một phần cứng gọn, mỏng và nhẹ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng Microsoft đã có những nỗ lực cao quý trong việc khởi động xu hướng tablet 5 năm trước khi Apple chính thức đưa nó lên một tầng cao mới. Và khi bạn so sánh chiếc TC1100 cũ kỹ này với Surface Pro 3, bạn hẳn cũng phải thừa nhận tính thống nhất trong tầm nhìn của Microsoft ở các sản phẩm của hãng.
Mặc dù phải tốn đến 10 năm nhưng gã khổng lồ xứ Redmond cuối cùng cũng đã có được sản phẩm 2 trong 1 mà hãng vẫn hằng mơ ước. Chiếc Surface Pro 3 ra đời cùng với hai bàn phím ảo và vậy lý, một chiếc bút với khả năng đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và một giao diện desktop có thể chạy được mọi ứng dụng trong hệ sinh thái Windows. Dù nghe có vẻ giống chiếc TC1100 thuở nào nhưng phiên bản 2014 này đã thực sự làm việc hiệu quả theo đúng nghĩa. Đó là một thiết bị hài hòa giữa phần cứng tiên tiến và thiết kế tinh gọn.
Tham khảo: PCWorld.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét