Thiết kế:
Nếu như thế hệ Iron đầu tiên thu hút sự chú ý nhờ viền màn hình siêu mỏng cùng bộ khung làm từ thép không rỉ thì Iron 2 lại chạy theo xu hướng với việc sử dụng chất liệu nhôm. Bộ khung nhôm này cũng sở hữu những đường diamond-cut xuyên suốt khá mảnh nhưng vẫn đảm bảo tính chắc chắn cho máy và được phủ màu vàng đồng tương tự như iPhone hay HTC One. Mỏng và nhẹ là hai từ để nói về thiết kế của Iron 2, có lẽ do việc máy sử dụng nhôm thay cho thép trên Iron thế hệ đầu. Thay vì sử dụng những đường nét vuông vức, cứng cáp, Iron 2 lại có xu hướng sử dụng những nét bo cong ở góc và viền máy khiến cho tổng thể thiết bị trở nên bớt nam tính, phù hợp hơn cho cả hai đối tượng người dùng nam và nữ.
Một tính năng được Pantech sử dụng trên cả hai dòng Iron là đèn Led hai chiều. Với đèn thông báo này, người dùng có thể nhận biết khi có tin nhắn, cuộc gọi mà không cần phải lật mặt trước điện thoại lên. Tuy nhiên, việc loại bỏ phần kính trên thế hệ Iron thứ hai khiến cho máy mất đi điểm nhấn cá tính nhưng cũng giảm thiểu tình trạng bám bụi vào máy qua khu vực này. Ngoài ra, một số bộ phận khác cũng đã được tinh chỉnh lại như loa ngoài đặt ở góc máy, loa thoại được thiết kế phẳng thay vì lõm cũng là những điểm cộng của Iron 2 so với người tiền nhiệm.
Tuy vậy, Vega Iron 2 vẫn tồn tại một số điểm yếu về mặt thiết kế. Đầu tiên, camera của máy chiếm diện tích khá lớn và lồi hẳn lên so với mặt lưng, dễ xước và tạo cảm giác khá “rẻ tiền” đối với một thiết bị có giá chính hãng trên 12 triệu đồng. Có lẽ đây là mục đích của nhà sản xuất để người dùng mua thêm chiếc ốp Secret Case, phụ kiện trang bị thêm cảm biến vân tay cho chiếc smartphone này. Ngoài ra, Pantech không còn sử dụng hệ thống phím ảo trên màn hình Iron 2 nữa mà thay vào đó là hai phím cảm ứng và phím Home hình chữ nhật đặt ở dưới màn hình để tiết kiệm diện tích sử dụng cho người dùng nhưng lại khiến cho bố cục máy trở lên rời rạc. Thêm vào đó, vị trí ăng ten trên phiên bản dành cho Việt Nam không được loại bỏ hoàn toàn do được chỉnh sửa từ phiên bản dành cho Hàn Quốc, khiến cho một số người dùng sẽ cảm thấy khó hiểu khi lần đầu nhìn thấy.
Màn hình:
So với chiếc điện thoại Vega Iron thế hệ đầu, Vega Iron 2 được nâng cấp mạnh về khả năng hiển thị với trang bị màn hình 5,3 inch độ phân giải Full HD, thay thế cho 5 inch 720p trên sản phẩm đàn anh. Tuy mất đi lợi thế viền màn hình siêu mỏng nhưng khả năng hiển thị của màn hình này cũng rất tốt. Sử dụng công nghệ Super AMOLED, mật độ điểm ảnh 416 ppi đủ khiến cho màn hình Iron 2 cho ra hình ảnh có độ nét cao, chi tiết tột. Ngoài ra, cách cân chỉnh của Pantech đem lại cho smartphone này khả năng hiển thị màu sắc khá chân thực, thay vì quá rực hay ám màu như một số smartphone khác sử dụng chung công nghệ Super AMOLED.
Hiệu năng và thời lượng pin:
Được ra mắt cùng thời điểm với Galaxy S5 của Samsung, Vega Iron sở hữu cấu hình khá tương đồng với bộ xử lý Snapdragon 801, tốc độ 2,3 GHz nhưng bộ nhớ RAM nhỉnh hơn, đạt 3 GB. Thực tế, cấu hình smartphone giờ đây đã gần đạt đến mức bão hòa nên những con số trên không còn quá quan trọng đối với những người dùng phổ thông, khi mà mọi ứng dụng đều có thể hoạt động trơn tru trên chiếc máy sở hữu điểm số Antutu gần 39000 này.
Dựa trên nền tảng Android 4.4.2, Pantech đã cải tiến bộ biểu tượng trên Vega Iron 2 theo phong cách phẳng hóa, dễ nhìn và thao tác. Ngoài ra, giao diện mở khóa của máy cũng được thiết kế khá sang trọng với hiệu ứng chuyển đổi khá nghệ thuật, vui mắt. Do là phiên bản dành cho Việt Nam nên máy đã được loại bỏ các ứng dụng không cần thiết vốn tồn tại trên phiên bản nội địa Hàn, cùng với bộ ngôn ngữ được Việt hóa hoàn toàn.
Ốp lưng là một phụ kiện khá thú vị trên Vega Iron 2. Thay vì chỉ có tác dụng bảo vệ máy, chiếc Secret Case với giá 1,5 triệu đồng còn bổ sung thêm bộ quét vân tay cho Vega Iron 2. Ở lần sử dụng đầu tiên, người dùng sẽ cần phải bóc một miếng dán nằm ở lưng máy để chân tiếp xúc của Secret Case có thể kết nối với Vega Iron 2. Ngoài tính năng khóa máy bằng vân tay, người dùng cũng có thể truy cập các tập tin, dữ liệu cần bảo mật qua tiện ích Secret Box được Pantech cung cấp miễn phí theo máy. Sử dụng chất liệu nhựa trong cho viền máy và mặt sau giả da, chất liệu gia công của ốp lưng này chưa thật sự xuất sắc khi nó khá dễ bám bẩn và nhìn cũng không quá sang trọng. Một tính năng khác khá độc đáo của ốp lưng này là phím cảm biến vân tay ở mặt lưng có thể sử dụng như một bàn rê, tương tự như trên chiếc HTC Desire Z hay các dòng BlackBerry OS 6, 7.
Với dung lượng pin 3220 mAh, chiếc điện thoại Vega Iron 2 có thể hoạt động trong khoảng gần hai ngày với nhu cầu sử dụng ít tới trung bình. Qua bài thử phát video liên tục, máy có thể "trụ" được hơn 17 tiếng với các kết nối dữ liệu được tắt, phát âm thanh với âm lượng tối đa qua tai nghe và mở độ sáng màn hình lên hết cỡ. Nhìn chung, thời lượng pin của Vega Iron 2 khá tốt.
Camera:
Camera chưa bao giờ là ưu thế của dòng máy Pantech và Iron 2 không phải là sản phẩm ngoại lệ dù thiết kế của máy ảnh lồi hẳn lên so với thân máy. Ảnh chụp từ máy trong điều kiện ánh sáng ngoài trời khá tốt như bao thiết bị trung cấp hay cao cấp khác. Tuy nhiên, điều kiện hơi thiếu sáng cũng thể hiện rõ rệt yếu điểm của Vega Iron 2 khi ảnh bị rung và xu hướng đẩy cao độ nét (sharpness) khiến cho ảnh mất đi tính chân thực. Ngoài ra, màu sắc từ ảnh chụp của máy cũng khá bết và nhiều nhiễu, đặc biệt trong môi trường tối trời. Nhìn chung, chất lượng ảnh của Vega Iron 2 chỉ ở mức lưu trữ hay tải lên mạng xã hội, không có giá trị cao để sử dụng thay cho máy ảnh du lịch.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét