Tưởng như đã bên bờ vực của sự phá sản, BlackBerry với đầu tàu là John Chen đang có những bước đi mới, an toàn và hiệu quả, không khỏi khiến người hâm mộ tin rằng, BlackBerry sẽ không bao giờ chết.
Cũng như Nokia, nhà sản xuất điện thoại đến từ Canada phải hững chịu sự tụt giảm nghiêm trọng về doanh thu và sức ảnh hưởng trên thị trường của mình trước sức ép từ iPhone và “tập đoàn” Android.
Ở thời kỳ đỉnh cao của mình vào những năm 2008, RIM hồi bấy giờ từng được định giá 100 tỷ USD với giá trị 150$/cổ phiếu. Thế những sự chậm chễ trong thay đổi để thích ứng với thị trường, đặc biệt là thất bại trong việc ra mắt BlackBerry Storm đã mở màn cho sự tụt dốc không phanh của doanh nghiệp này. Đến nay, BlackBerry có giá trị chỉ khoảng dưới 5 tỷ USD, tức là giảm hơn 20 lần.
Thế nhưng khác với Nokia, thay vì buông xuôi và chấp nhận bán mình, BlackBerry dưới sự lãnh đạo của CEO John Chen đang có những bước đi chậm rãi, nhưng hiệu quả rõ rệt. Từng có tin đồn về việc Samsung có ý định mua lại doanh nghiệp này với giá 7 tỷ USD, nhưng đây cũng chỉ là tin đồn và 2 bên đã ra sức phủ nhận. Thế nhưng điều đó cũng phần nào cho thấy tầm nhìn của BlackBerry và tiềm năng phát triển trong thời gian tới của nhà sản xuất Canada này.
Có người từng nhận định “BlackBerry sẽ không bao giờ chết”, với tình hình phát triển hiện nay thì nhận định này không phải là không có cơ sở.
VAI TRÒ BẢO MẬT KHÔNG THỂ THAY THẾ
Từ vụ việc các nhân viên của Sony Pictures phải quay lại sử dụng các thiết bị của BlackBerry sau vụ tấn công mạng, có thể thấy nền tảng của Dâu đen là một trong những nền tảng hiếm hoi “miễn nhiễm” với mã độc và hacker.
Với cơ sở hạ tầng độc lập và khả năng bảo mật cao, đã được khẳng định qua sự tin dùng của các doanh nghiệp cũng như chính phủ, BlackBerry vẫn giữ một vai trò khó thay thế ở mảng này.
Nếu như các hãng khác đẩy mạnh tấn công mảng thiết bị điện tử dân dụng vốn đã dần bão hoà, BlackBerry vẫn âm thầm khai thác và gần như chiếm vị thể độc tôn ở mảng doanh nghiệp và Chính phủ. Ngoài cung cấp thiết bị, phiên bản BlackBerry Enterprise Services 12 (BES 12) mới vẫn là nền tảng tốt cho cách doanh nghiệp trong công tác bảo mật và an toàn thông tin.
BlackBerry Passport là lựa chọn tốt cho cả người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Các hãng điện thoại Android, thậm chí là Apple iOS cũng không giấu giếm tham vọng xâm chiếm thị trường đầy tiềm năng này, thế nhưng cái bóng của BlackBerry vẫn là quá lớn và khó mà vượt qua được, ít nhất là trong thời gian tới. Nếu duy trì được sự độc tôn này, BlackBerry vẫn khó mà "chết" được.
SẢN PHẨM CÓ SỨC HẤP DẪN RIÊNG
Không hào nhoáng như những chiếc máy của Samsung, Sony, HTC, cũng không hoàn hảo như những chiếc iPhone của Apple, thế nhưng BlackBerry Passport, Classic hay xa hơn là những chiếc Bold 9900 vẫn có những sức hấp dẫn riêng ở cả ngoại hình lẫn tính năng trong hệ điều hành.
Sau hơn một năm tại BlackBerry, dấu ấn dễ thấy nhất của John Chen có lẽ chính là BlackBerry Passport, chiếc điện thoại từng nhận nhiều chỉ trích hồi ra mắt, thế nhưng lại bất ngờ mang đến thành công cho doanh nghiệp có trụ sở tại Waterloo với hơn một lần trong tình trạng cháy hàng. BlackBerry Classic với sự kết hợp khéo léo giữa hiện đại và cổ điển cũng nhận được nhiều sự hưởng ứng từ phía người hâm mộ. Điều đó cũng phần nào cho thấy định hướng đúng đắn của John Chen khi tập trung phát triển các sản phẩm dựa trên thế mạnh mạnh về bàn phím, thay vì thuần cảm ứng để gặp phải thất bại như chiếc điện thoại giá rẻ BlackBerry Z3 trước đó.
Bên cạnh các thiết bị mới, các sản phẩm phần mềm cũng đạt được những thành công không nhỏ. Ứng dụng nhắn tin BBM sau khi mở rộng ra các nền tảng iOS, Android và Windows Phone đã có hơn 10 triệu người dùng và ngày càng hoàn thiện hơn, hấp dẫn hơn. Kho ứng dụng của BlackBerry ngoài việc tận dụng thế mạnh của hệ điều hành BB10, còn có thể khai thác các ứng dụng từ Android, mang đến trải nghiệm đầy đủ hơn đến người dùng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận kho ứng dụng vẫn là một vấn đề mà BlackBerry cần cải thiện trong thời gian tới.
VÀ NGÀY CÀNG …THÂN THIỆN
Dẫu sức hấp dẫn của Dâu đen một phần đến từ sự khác biệt, nhưng sự khác biệt này đôi khi lại là con dao hai lưỡi khiến những sản phẩm của BlackBerry khó tiếp cận đến đông đảo người dùng. Đó chính là điểm khó mà John Chen cùng cộng sự phải cân nhắc, tức vừa tạo ra sự khác biệt với phần còn lại, vừa đáp ứng được nhu cầu của số đông để đạt được doanh số bán hàng cao.
Như đã nói ở trên, những chiếc BlackBerry mới như Passport, Classic với dãy bàn phím QWERTY cứng quen thuộc, kết hợp với hệ điều hành BB10 phiên bản 10.3 mới nhất đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu sử dụng của người dùng. Chưa kể đến việc tận dụng kho ứng dụng Amazon và Google Play.
BlackBerry Passport liên tiếp cháy hàng, Classic cũng từng “cháy hàng” dù chưa ra mắt là minh chứng rõ nhất cho sự hấp dẫn của những sản phẩm mới này.
Những chiếc máy chạy BlackBerry 10 ngày càng dễ sử dụng hơn.
SỰ HẬU THUẪN TỪ CHÍNH PHỦ CANADA
Là một thương hiệu quốc gia, không khó hiểu khi BlackBerry được chính phủ Canada hậu thuẫn. Cho dù từng có thời kỳ làm ăn không hiệu quả, thế nhưng với những vai trò quan trọng liên quan đến trọng trách bảo mật và an ninh quốc gia, chắc chắn Canada không để cho BlackBerry dễ dàng bị mua lại bởi một doanh nghiệp khác.
Hồi năm ngoái, trước những tin đồn về việc Lenovo muốn mua lại BlackBerry, chính phủ Canada từng cho biết họ sẽ không bao giờ phê chuẩn việc một công ty Trung Quốc mua lại công ty có ràng buộc chặt chẽ với cơ sở hạ tầng của Canada như BlackBerry.
Thế nên trước tình hình làm ăn “khấm khá” gần đây, không khó để BlackBerry có được sự hỗ trợ của chính phủ cho các kế hoạch phát triển của mình.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét