Khi "tìm đường" vào mảng di động thông minh, Google đã thâu tóm một công ty khá nhỏ có tên Android Inc. vào mùa hè năm 2005. Ba năm sau thời điểm đó, chiếc
điện thoại đầu tiên được cài sẵn Android đã lên kệ. Trải qua nhiều năm phát triển, hiện Android là một trong những nền tảng di động thông minh và phong phú nhất thế giới.
1. Không phải khi nào cũng được đặt tên theo các món đồ ngọt
Bản cập nhật lớn đầu tiên của Android là phiên bản 1.5 với tên gọi Android Cupcake. Sau thành công của nền tảng này, Google bắt đầu đặt tên các phiên bản Android tiếp theo theo tên của các món tráng miệng và theo thứ tự alphabet. Tuy nhiên, trong những ngày phát triển đầu tiên, các phiên bản Android tiền thương mại được ông lớn làng Internet đặt tên nội bộ theo phong cách rất "robot" như "Astro Boy", "Bender" hay "R2-D2". Đến nay, Android đã đi đến phiên bản 6.0 cùng biểu tượng là kẹo dẻo Marshmallow.
2. Honeycomb là phiên bản Android duy nhất không có phiên bản chính thức cho smartphone
Đầu năm 2011, Google ra mắt nền tảng Android 3.0 Honeycomb. Được thiết kế đặc thù dành cho máy tính bảng, Honeycomb không may nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ người dùng khiến Google phải nhanh chóng sửa sai bằng Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Từ đây, thay vì phát triển những phiên bản Android dành riêng cho máy tính bảng, Google thêm vào khả năng hỗ trợ các thiết bị màn hình lớn cho tất cả hệ điều hành Android.
3. Vận hành hơn một tỷ thiết bị
Android được cho là đang vận hành hơn 1 tỷ thiết bị trên toàn thế giới và không chỉ gói gọn trong
máy tính bảng hay điện thoại thông minh nhờ tính mở của mình. Đặt trong tương quan dân số thế giới đang là khoảng 7,3 tỷ người, bạn sẽ thấy con số nói trên lớn như thế nào!
4. Có nhiều ứng dụng hơn bất kỳ đối thủ nào
Chợ ứng dụng của Android được công bố năm 2008, vài tháng sau khi Apple ra mắt App Store. Theo một thống kê được Business Insider đăng tải vào thời điểm tháng 2 năm nay, Google Play có 1,4 triệu ứng dụng, vượt qua đối thủ đứng ở vị trí số hai là kho ứng dụng của Apple với 1,2 triệu ứng dụng.
5. Chú robot trong logo Android... không có tên
Cũng giống phần mềm, biểu tượng của hệ điều hành Android cũng là tài nguyên mở. Điều này lý giải tại sao bạn lại có thể thấy nó có nhiều biến thể đến vậy mà không gặp phải bất kỳ can thiệp nào từ Google.
Nhà thiết kế tạo ra chú robot này là Irina Blok và biểu tượng Android là kết quả của một quá trình tìm kiếm cảm hứng nhờ xem các món đồ chơi và phim khoa học viễn tưởng của đội thiết kế. Chú robot này thường được gọi là "Andy the Android", tuy nhiên thực tế nó không có tên gọi chính thức. "Bugdroid" cũng được cho là tên gọi nội bộ của chú robot xanh nổi tiếng.
(Tham khảo: AndroidAuthority)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét