Thành công của Xiaomi đến từ đâu?
Bên trong một cửa hàng của Xiaomi
Có một cửa hàng tọa lạc trên đường Maofang, quận Haidian, phía Bắc Bắc Kinh (Trung Quốc) rất khó bỏ qua. Đây là nơi bạn có thể đứng bên các bàn gỗ dài tương tự trong Apple Store để chơi đùa với Mi Pad và
điện thoại Mi, trong khi nhân viên bận rộn giúp bạn đồng bộ thiết bị với màn hình thông minh Mi TV hay dịch vụ đám mây Mi Cloud. Các tùy chọn Mi Pad màu hồng/xanh lá cây/vàng/xanh biển/trắng đều dùng màn hình 7.9 inch độ phân giải 2048 x 1536 pixe, “vô tình” khớp với iPad mini 4.
Phong cách thiết kế tối giản của cửa hàng khiến bất kỳ ai cũng phải liên tưởng đến công ty công nghệ của nước Mỹ là nguồn cảm hứng cho họ: chính giữa bức tường trống trơn, chỉ có một biểu tượng “Mi” màu đỏ khổng lồ, ám chỉ cửa hàng thuộc một hãng công nghệ Trung Quốc - Xiaomi. Đồng sáng lập kiêm CEO Lei Jun ngay khi còn học đại học đã “chịu ảnh hưởng lớn” khi tìm hiểu về Steve Jobs. Thực tế, khi công bố Mi 4 vào tháng 7/2014, ông tuyên bố Xiaomi từng tiếp cận nhà sản xuất iPhone để xem họ phát triển nó như thế nào. Dường như chừng ấy chưa đủ để thể hiện sự ảnh hưởng của Apple lên Xiaomi, Lei Jun còn giới thiệu vòng đeo thông minh sau khi nhắc lại câu nói nổi tiếng của Jobs: “Vẫn còn một điều nữa…”
Tuy nhiên, ở đây chúng ta không nhắc đến chủ đề quen thuộc của giới công nghệ là Xiaomi “ăn cắp” mọi thứ của Apple. Thay vào đó, là câu chuyện thần thoại về việc Lei đã xây dựng nên một công ty có giá trị 45 tỷ USD không phải từ smartphone mà từ hệ sinh thái Internet hoàn toàn mới: thứ đã biến khách hàng thành “người hâm mộ”, cùng cộng tác thiết kế và truyền bá sản phẩm; cắt giảm tối đa chi phí thông qua tối giản hàng tồn kho và tối ưu chuỗi cung ứng; bán sản phẩm chất lượng cao với giá thấp tới mức không có lợi nhuận để thu tiền từ dịch vụ, nội dung và phụ kiện.
Trong 5 năm, Xiaomi đã có nền tảng 160 triệu người dùng, tiến vào các thị trường như Indonesia, Ấn Độ, thách thức các hãng công nghệ phương Tây: Đã đến lúc bắt chước Trung Quốc!
Xiaomi không phải công ty điện thoại
“Chúng tôi là một công ty Trung Quốc rất khác biệt: chúng tôi không tiếc tiền để bảo đảm chất lượng của mỗi và mọi sản phẩm Mi. Tôi tin rằng Xiaomi sẽ cung cấp động lực để nâng cao khung chất lượng cho tất cả sản phẩm Trung Quốc sản xuất và cuối cùng giúp thay đổi định kiến Trung Quốc chỉ có sản xuất giá rẻ và bắt chước. Trong những năm qua, sứ mệnh của Xiaomi trở thành thay đổi quan điểm của thế giới về sản phẩm của Trung Quốc”, ông Lei Jun trả lời tờ Wired qua thông dịch viên.
Xiaomi nhấn mạnh họ là một công ty Internet, không phải nhà sản xuất smartphone dù bản thân rất thành công trong việc bán điện thoại. Có thể điểm qua một số cột mốc như sau: ngày 18/12/2011, công ty bán được 100.000 máy trong 3 giờ; ngày 24/4/2012, bán được 150.000 máy trong 15 phút; ngày 20/9/2012, chỉ mất 4 phút để bán 300.000 máy. Năm 2012, Xiaomi bán 7,2 triệu điện thoại; năm kế tiếp, con số này là 18,7 triệu; năm 2014, tăng lên 61 triệu, trở thành thương hiệu số 1 tại Trung Quốc. Năm 2015, hãng bán được hơn 70 triệu máy, cùng Huawei dẫn đầu thị trường quê nhà. Dưới sự dẫn dắt của Hugo Barra, “cựu tướng” Google, Xiaomi đang tiến vào các thị trường đông dân khác. Tháng 4/2014, hãng mua lại tên miền Mi.com với giá 3,6 triệu USD như một phần trong chiến dịch quốc tế hóa.
Lei không muốn mọi người xem công ty chỉ như nhà sản xuất thiết bị chất lượng: “Hãy nghĩ về Xiaomi như công ty mang sự tân tiến đến mọi người. Chúng tôi tập trung vào sản phẩm chất lượng để giúp tạo ra phong cách sống thông minh cho tất cả khi chuyển sang kỷ nguyên của tiến bộ công nghệ. Nó không chỉ là smartphone,
máy tính bảng, tivi, router, chúng tôi đầu tư vào startup hình thành nên cái mà chúng tôi gọi là hệ sinh thái. Họ sản xuất sản phẩm bán trên Mi.com, từ máy lọc không khí, máy lọc nước cho đến thiết bị dạng đeo, vì thế chúng tôi có hàng trăm sản phẩm kết hợp cùng nhau tạo ra phong cách sống”.
Theo ICT News
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét